trang chủ tin tức xe Hệ thống cảnh báo người lái mất tập trung

Hệ thống cảnh báo người lái mất tập trung

Cảnh báo người lái mất tập trung là một hệ thống an toàn hữu ích, đặc biệt trên những cung đường cao tốc, nhưng ít khi tính năng này được người lái chú ý.

Hệ thống cảnh báo người lái mất tập trung hoạt động như thế nào?

Hệ thống cảnh báo người lái mất tập trung ban đầu được phát triển nhằm phát hiện xem tài xế có đủ khả năng tập trung và tiếp tục lái xe khi đã trải qua một hành trình dài hay không? Tài xế có dấu hiệu buồn ngủ và ngủ gật hay không? Từ đó đưa ra các cảnh báo bằng âm thanh hoặc biểu ngữ để đảm bảo an toàn cho tài xế.

Ngày nay hệ thống này còn được phát triển với nhiều tính năng như cảnh báo yêu cầu tài xế đặt tay trên vô-lăng, cảnh báo không sử dụng thiết bị điện tử khi lái xe. 

Tất cả các tính năng này đều có mục đích duy nhất giúp tài xế tập trung cao độ khi lái xe, để có thể xử lý các tình huống giao thông kịp thời chính xác, giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông.

Cảnh báo người lái mất tập trung – Hệ thống hữu ích thường bị lãng quên - Ảnh 1.

Những hệ thống cao cấp sẽ thu thập dữ liệu như tín hiệu chớp mắt, sóng não, nhịp tim để đưa ra cảnh báo.

Các hệ thống cảnh báo mất tập trung chủ yếu hoạt động dựa trên việc thu thập thông tin như thời gian lái xe, quãng đường di chuyển, hiệu suất lái để đưa ra cảnh báo nghỉ ngơi.

Một số hệ thống cao cấp còn sử dụng cảm biến hệ thống đánh lái, camera quan sát làn đường, cảm biến/camera nhận diện gương mặt hoặc tín hiệu chớp mắt của người lái, cảm biến nhịp tim, sóng não… để đưa ra cảnh báo chính xác hơn. 

Tùy theo thiết lập của nhà sản xuất mà hệ thống sẽ đưa ra các cảnh báo sau 2 đến 4 tiếng lái xe liên tục.

Vì sao hệ thống cảnh báo mất tập trung ít được quan tâm

Hệ thống cảnh báo người lái mất tập ngày càng trở nên hữu ích khi ngày nay các hệ thống hỗ trợ người lái tự động như hỗ trợ giữ làn đường, điều khiển hành trình chủ động được trang bị phổ biến trên các mẫu xe.

 
 
 

Người lái có xu hướng phụ thuộc vào các hệ thống tự động, từ đó sinh ra sự mất tập trung khi lái xe, điều này diễn ra phổ biến trên các cung đường cao tốc. 

Mặc dù khi di chuyển tốc độ cao người lái cần thật tập trung điều khiển xe, nhưng với điều kiện di chuyển ít chướng ngại vật và cung đường thẳng khiến cho nhiều lái xe lơ là chú ý đến tình hình giao thông.

Theo một nghiên cứu của giáo sư Teofilo Lee-Chiong đến từ bệnh viện National Jewish Health thuộc bang Colorado (Mỹ), khoảng 10-15% số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến thiếu ngủ.

Mặc dù sự tập trung khi lái xe là điều tối quan trọng và hệ thống cảnh báo người lái mất tập trung vô cùng hữu ích nhưng tại thị trường Việt Nam nhiều tài xế lại không chú ý tới hệ thống này khi mua xe.

Cảnh báo người lái mất tập trung – Hệ thống hữu ích thường bị lãng quên - Ảnh 2.

Tài xế nên chủ động phân bổ thời gian nghỉ ngơi hợp lý, không nên chủ quan lệ thuộc các hệ thống cảnh báo.

Theo khảo sát một số khách hàng chuẩn bị mua xe, người dùng có xu hướng quan tâm tới những hệ thống hỗ trợ lái xe như: Cảnh báo tiền va chạm, cảnh báo lệch làn đường, điều khiển hành trình chủ động.

Lý do bởi hầu hết các tài xế thường xuyên di chuyển trong nội đô, ít khi phải lái xe trong điều kiện tốc độ cao cũng như thời gian lái xe dài.

Nhiều tài xế còn không nắm rõ xe của mình có được trang bị hệ thống cảnh báo người lái mất tập trung hay không. Chỉ khi hệ thống cảnh báo bằng biểu ngữ hiển thị trên màn hình trung tâm và cảnh báo âm thanh hoạt động thì lái xe mới biết.

Mặc dù có được trang bị tính năng cảnh báo người lái mất tập trung hay không thì các tài xế cũng cần phải làm rõ, việc mất tập trung hay buồn ngủ khi lái xe đều có thể chủ động phòng tránh nếu người lái phân bổ hợp lý thời gian nghỉ ngơi khi lái xe.

Tuyệt đối không sử dụng các thiết bị di động, cũng như chuẩn bị cho một giấc ngủ thật tốt trước hành trình. Điều này sẽ tốt hơn rất nhiều khi chủ quan và lệ thuộc vào các hệ thống cảnh báo, vốn còn ít nhiều hạn chế.

(Nguồn: https://xe.baogiaothong.vn/he-thong-canh-bao-nguoi-lai-mat-tap-trung-nhieu-xe-co-nhung-bi-lang-quen-192231127132840548.htm )